Vietbank nâng cao tỷ lệ an toàn vốn

Tính đến 30/3, ngân hàng đã hoàn thành tỷ lệ an toàn vốn vượt mức quy định theo tiêu chuẩn Basel II trên toàn hệ thống.

Năm 2018 sau khi được Ngân hàng Nhà nước thông qua phương án "Cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020", Vietbank đã xác định kế hoạch trọng tâm cần thực hiện. Cụ thể toàn bộ lợi nhuận của năm 2018 được giữ lại để nâng cao năng lực tài chính, làm nền tảng mở rộng hoạt động kinh doanh. Ngân hàng gia tăng tiện ích dịch vụ, đa dạng hóa dịch vụ tài chính, tăng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ. Bên cạnh đó, Vietbank kiểm soát chất lượng tín dụng, chủ động cơ cấu danh mục tín dụng và kiểm soát danh mục tài sản có rủi ro tín dụng, duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Về quản lý rủi ro, sau hơn 2 năm triển khai, nhà băng đã hoàn thành xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý dữ liệu, tính toán vốn tự có, tài sản tính theo rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động, vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường và tỷ lệ an toàn vốn theo yêu cầu của Thông tư 41. Tại thời điểm 30/3, ngân hàng đã hoàn thành tỷ lệ an toàn vốn lớn hơn mức quy định.


"Dự kiến trong quý II/2019, chúng tôi sẽ nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước để xin áp dụng tính tỷ số an toàn vốn tối thiểu trước thời hạn", ông Nhung chia sẻ.Theo ông Nguyễn Thanh Nhung - Tổng giám đốc Vietbank, bắt đầu từ cuối quý I/2019, ngân hàng thu thập những thông tin cần thiết để thực hiện tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Thông tư 41 theo tiêu chuẩn Basel II. 

Vietbank tiếp tục điều chỉnh mô hình tổ chức, chính sách, quy trình quản lý rủi ro theo yêu cầu của Thông tư 41, Thông tư 13 để hoàn hiện khung quản lý rủi ro. Từ đó, ngân hàng đưa ra các chiến lược kinh doanh, hoạch định chính sách khách hàng, quản trị rủi ro và chính sách giá để tối ưu hóa vốn, tài sản có rủi ro.

Nguồn bài viết: VnExpress.net